Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng góp phần hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày 6/3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu; đại biểu đại diện các đơn vị chức năng của các đơn vị phối hợp tổ chức. Với gần 40 bài và ý kiến tham luận tọa đàm đã khẳng định là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, tác phẩm đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” với quyết tâm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Mục tiêu của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”; việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”. Từ đó, tác phẩm chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Cùng đó, tác phẩm cũng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Cán bộ, đảng viên phải phải luôn tiền phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, để đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng…

Từ những phân tích đa chiều, trên nhiều góc độ, các tham luận đã nhất trí cho rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và tham góp nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

//hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nang-cao-nang-luc-lanh-dao-va-suc-manh-cua-dang-gop-phan-hieu-qua-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-1491905587


Chia sẻ