Năm 2021, giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh 2,5 triệu người

Năm 2021, giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh 2,5 triệu người

Buổi thực hành nghề nấu ăn tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa: KT

Theo lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2020, trước tác động của đại dịch Covid-19, việc tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp có nhiều thay đổi.

Năm 2020, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh hơn 2,2 triệu người

Chiều 28/12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Năm 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời tác động nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Mặc dù vậy, ngành giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tạo đột phá mạnh mẽ. Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, trong bối cảnh  bùng phát trở lại Việt Nam từ cuối tháng 7/2020, việc tuyển sinh, đào tạo bị gián đoạn và có nhiều thay đổi.

Nhằm tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong nhà trường, hình thức tuyển sinh trực tuyến, đào tạo trực tuyến được phát triển, thay thế, bổ sung cho phương thức tuyển sinh, đào tạo truyền thống.

Năm 2021, ngành giáo dục nghề nghiệp phấn đấu:

Tuyển sinh 2,5 triệu người, trong đó: cao đẳng 260 nghìn người; trung cấp 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1,9 triệu người.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động.

Thậm chí, các tài liệu tuyên truyền, tư vấn; các nội dung môn học, lý thuyết thuần túy cũng đã được số hóa để có thể thực hiện bằng việc tuyển sinh, đào tạo trực tuyến. Qua đó, các tài liệu được chia sẻ trực tuyến, dùng chung trong cả hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học có thể tiếp cận. Nhờ vậy, kết quả tuyển sinh cũng khả quan và hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 đề ra.

Một số kết quả cụ thể như: cả nước tuyển mới được hơn 2,2 triệu người trong năm 2020 (đạt 100,9% kế hoạch năm); trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng là 580 ngàn người, trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người.

Cả giai đoạn 2016 - 2020 tuyển sinh đạt hơn 11 triệu người (đạt 103% kế hoạch).

Ứng dụng đào tạo theo mô hình thực tế ảo

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã được hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý, đào tạo từ khâu tuyển sinh, quản lý kế hoạch đào tạo đến quản lý văn bằng tốt nghiệp…

Nhiều trường đã thực hiện tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online. Đặc biệt, một số ngành nghề đã được mô phỏng hóa trong thực hành, thực tập để sinh viên thực tập theo mô hình thực tế ảo, giúp giảm chi phí đào tạo.

Tháng 12/2020, cả nước có 1.907 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó hơn 400 trường cao đẳng, 463 trường trung cấp, 1.044 trung tâm giao dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.227 cơ sở.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm qua, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh. Năm 2020, Tổng cục đã xây dựng, trình ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Bên cạnh đó, rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Đồng thời tổ chức xây dựng, ban hành 180 chuẩn đầu ra của 90 nghề trọng điểm, đặc thù nâng tổng số lượng chuẩn đầu ra được ban hành lên 600 bộ ở 300 ngành, nghề. Hoàn thành việc chuyển giao 34 bộ chương trình đào tạo cho 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Úc và CHLB Đức, tiến hành đào tạo thí điểm cho sinh viên trình độ cao đẳng, khi tốt nghiệp được cấp 2 bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc Đức...


Chia sẻ