Hành động quyết liệt, kịp thời giải quyết các vấn đề thực tế để tạo tác động tích cực trong phát triển

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo. (ảnh: Hương Thảo)

Sáng 3/3, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 2; triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 năm 2023. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức và Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đồng chủ trì phiên họp.

Thu ngân sách tăng 5,95% trong 2 tháng đầu năm 2023

Báo cáo tình hình KT-XH trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, tình hình KT-XH TP đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến TP đạt hơn 319.000 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ (đầu năm 2022 còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không có khách du lịch quốc tế); số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 13,1%.

Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,6%); khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%; số lượng hành khách đi và đến TPHCM bằng đường sắt tăng 158%, bằng đường hàng không tăng 94% so với cùng kỳ. TP thu hút được khoản 369,1 triệu USD tăng 59% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 5,95%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.

Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế, giáo dục, an sinh xã hội được chú trọng và triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TP được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng. Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón quốc tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm, giảm được thiệt hại do cháy nổ, tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Mặc dù tăng về số lượng DN thành lập mới nhưng giảm mạnh về số đăng ký so với cùng kỳ (giảm 42,7%); số DN tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ; số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%, số chỗ việc làm mới giảm 0,9%.

Cần có kết quả cụ thể, tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Góp ý tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đề nghị trong công tác điều hành, UBND TPHCM giao các sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ. Điều này nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, DN trong tình hình hiện tại.

TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại phiên họp. (ảnh: Hương Thảo)
TS Trần Du Lịch nêu ý kiến tại phiên họp. (ảnh: Hương Thảo)

Về tình hình KT-XH, TS Trần Du Lịch cho rằng việc hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng phải là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TP. Vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao, sẽ là thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5% năm 2023. Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TPHCM, do đó phải chờ động thái từ Chính phủ.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, TP cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8 - 8,5%. Thời điểm này TP cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát. Do vậy, UBND TP cần giao Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê, Sở Công thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho TP. Từ đó đề ra các biện pháp để thúc đẩy và tập trung là lĩnh vực thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.

Ngoài ra, TS Trần Du Lịch cho rằng nếu trong tháng 5 sắp tới Quốc hội kịp ban hành nghị quyết mới, thay thế nghị quyết 54 thì TPHCM không chỉ được giải quyết điểm nghẽn về thể chế mà còn tạo sức bật cho cả TP vươn lên. Đồng thời, TP cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm hành chính công, công vụ, tháo gỡ cho các dự án bất động sản, khởi động thực tế để lấy lại niềm tin, củng cố niềm tin thị trường; công khai minh bạch các dự án chậm trễ; gỡ vốn cho DN vừa và nhỏ; …

Cục thống kê TP cũng đề xuất một số hướng giải pháp tạo điều kiện cho khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong GPD, đó là giúp DN tư nhân vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, những DN mới tham gia thị trường hoạt động sớm, cần tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ về vốn, lãi suất; Kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách tài khóa. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phục hồi du lịch, chương trình bình ổn giá giảm khó khăn cho người tiêu dùng, quan tâm đến lực lượng lao động, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản…

Tập trung cao độ để giải quyết các khó khăn

Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, trong tháng 2, các kết quả phát triển KT-XH TP đạt khá tốt theo dự báo tình hình, chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, cả TP cần cố gắng tiếp tục phát huy để đạt kết quả tốt hơn trong tháng 3, kết thúc quý I như kế hoạch.

Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Hương Thảo)
Toàn cảnh phiên họp. (ảnh: Hương Thảo)

Đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, một số kết quả nổi bật của tháng 2 có thể kể ra như: TP đã nỗ lực gặp gỡ, lắng nghe, ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng DN, từ trong nước đến nước ngoài, từ DN nhà nước đến DN ngoài nhà nước, trong một số ngành như nhóm BĐS; tổ chức buổi kết nối giữa DN với ngân hàng. Từ đó, ghi nhận các vấn đề mà các DN gặp phải để tập trung giải quyết trong tháng 3 và thời gian tới, tạo niềm tin thúc đẩy sản xuất và kinh doanh. Từ đầu năm, TP đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư công. Năm nay, TP phân bổ số vốn đầu tư công lớn hơn. UBND TP đã đề xuất một cuộc họp HĐND vào cuối tháng 3 này để phân bổ hết số vốn.

Tuy nhiên, theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong tháng 2 còn nổi lên một số vấn đề cần lưu ý. Đó là sản xuất công nghiệp giảm 2,5% so với cùng kỳ. Số lượng DN rút lui khởi thị trường cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Ngoài ra, việc hoàn thành các nhiệm vụ của tháng còn chậm trễ. Trong tháng, có 81 nhiệm vụ lớn thì mới hoàn thành 18 nhiệm vụ, còn 51 nhiệm vụ đang thực hiện, 12 nhiệm vụ trễ hạn.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các chuyên gia, sở, ngành thống nhất đánh giá, đà suy giảm kinh tế của quý IV/2022 vẫn ảnh hưởng đến quý I/2023 này và thậm chí đến hết quý II/2023. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới cộng với sự tập trung tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của TP, tin rằng chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội để kết thúc sớm đà suy giảm và tăng tốc nhanh hơn.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành tập trung giải quyết các nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc mà các DN đặt ra từ các cuộc gặp gỡ. Từ cuộc kết nối giữa DN và ngân hàng, nhận thấy cần tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo UBND TP với các DN lĩnh vực KH-CN, DN khởi nghiệp. Đồng chí đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cùng Tổ tháo gỡ cho thị trường BĐS tập trung cao độ để giải quyết các khó khăn đối với nhóm ngành này. Cần có hành động quyết liệt, kịp thời, làm ngày làm đêm để tạo sự thống nhất, giải quyết các vấn đề thực tế để tạo tác động tích cực trong phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp cụ thể để tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ của TP; tập trung khôi phục phát triển mạnh du lịch; giải quyết các vấn đề bất cập của TP về mua sắm trang thiết bị y tế trong thẩm quyền; tập trung triển khai các dự án nhà ở; quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh công cộng; hỗ trợ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động mất việc…; đề nghị Cục Thuế TP có thông tin rõ ràng về việc truy thu thuế đối với khoản trợ cấp mất việc của Công ty PouYuen…

“Các sở, ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng của hoạt động công vụ, phối hợp tốt để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao”- Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Minh Hiệp

//hcmcpv.org.vn/tin-tuc/hanh-dong-quyet-liet-kip-thoi-giai-quyet-cac-van-de-thuc-te-de-tao-tac-dong-tich-cuc-trong-phat-tri-1491905481


Chia sẻ