CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC VỀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC

VỀ CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH TRONG NGÀNH GIÁO DỤC

Đái tháo đường (ĐTĐ, còn gọi là tiểu đường) là một bệnh lý mãn tính chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh nội tiết chuyển hóa bệnh với nồng độ đường trong máu tăng cao gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên hệ thần kinh, mạch máu, gây loét bàn chân, suy tim, suy thận, ... làm giảm thời gian, chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh hiện đang có xu hướng tăng nhanh, kéo theo những hậu quả nặng nề về sức khỏe và kinh tế toàn cầu [4], [5].

Tổng quan về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)

Hiện nay không còn giới hạn ở các nước phát triển, ĐTĐ đã trở thành căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Với chi phí điều trị khổng lồ hàng năm, ĐTĐ đã dẫn đến gánh nặng bệnh tật và kinh tế to lớn cho toàn cầu (825 tỉ đôla vào năm 2016), chưa kể đến mất ngày công lao động. Tại Việt Nam, chi phí trung bình liên quan đến 1 bệnh nhân ĐTĐ khoảng 162,7 đô la vào năm 2015. Đặc biệt trong vài thập niên trở lại đây, số người mắc bệnh ĐTĐ ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng lên rõ rệt, trong đó Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ tăng nhanh nhất. Đã đến lúc toàn cộng đồng cần cảnh giác với căn bệnh mãn tính này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 3,2 triệu người chết vì ĐTĐ mỗi năm, Năm 2008, cả thế giới có 135 triệu người mắc bệnh ĐTĐ (chiếm 4% dân số). Năm 2010, số người mắc bệnh ĐTĐ lên tới 221 triệu (chiếm 5,4%). Năm 2014, con số này lên đến 422 triệu  trên toàn cầu. Nếu không có sự tăng cường nhận thức và can thiệp kịp thời, ĐTĐ sẽ trở thành 1 trong 7 nguyên nhân hàng đầu gây chết người vào năm 2030. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ chiếm 5.7% dân số vào năm 2010 và con số này không ngừng gia tăng trong những năm gần đây [3].

Sự gia tăng đáng lo ngại của bệnh ĐTĐ phản ánh tình trạng béo phì, lười vận động, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng ở hầu hết các quốc gia. Theo thống kê của viện dinh dưỡng quốc gia năm 2015 thì tỉ lệ béo phì ở trẻ em đang ngày một gia tăng.

TT

Tỉnh/ thành phố

Tỉ lệ % trẻ em béo phì

1

Bình Dương

13,4

2

TP. Hồ Chí Minh

12,9

3

Đà Nẵng

10,8

4

Quảng Ninh

9,2

5

Khánh Hòa

8,7

6

Đồng Nai

8,0

7

Long An

7,9

8

Vĩnh Long

7,1

9

Bà Rịa  - Vũng Tàu

7,0

10

Bến Tre

6,6

Rất nhiều người thậm chí phải tốn đến 10 năm mới “tình cờ” phát hiện mình mắc bệnh ĐTĐ. Chính sự chủ quan ấy là nguyên nhân khiến bạn phải đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng, hay thậm chí là chết người. Theo thống kê của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ, mỗi năm có trên 3.2 triệu người ĐTĐ phải nhập viện do không tuân thủ điều trị dẫn tới các bệnh lý tim mạch (40%), các bệnh đường hô hấp và nhiễm khuẩn (30%) [1]. Tuy bệnh ĐTĐ có thể xảy đến với bất kỳ ai, nhiều người vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với phần đông dân số. Nhóm yếu tố nguy cơ này thay đổi tùy theo loại đái tháo đường, nhưng có thể tổng hợp thành:

  • Người bị tăng huyết áp ( >140/90 mmHg).
  • Người lười vận động và bị béo phì.
  • Người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên.
  • Có thành viên trong gia đình bị đái tháo đường.
  • Có tiền sử bị đái tháo đường trong thai kỳ.
  • Người bị rối loạn cholesterol và triglyceride.
  • Phụ nữ bị đa nang buồng trứng.
  • Người da đen, gốc Hispanic hoặc gốc Châu Á.

Phòng chống và ứng phó với ĐTĐ

Bệnh ĐTĐ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu người bệnh tuân thủ điều trị sẽ giúp kéo dài trình trạng bệnh ổn định. Tuy vậy, là bệnh mạn tính nên quá trình điều trị ĐTĐ đòi hỏi sự liên tục, thường xuyên và suốt cuộc đời người bệnh. Chế độ điều trị lại phức tạp, cần phải phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, chế độ dùng thuốc, kiểm soát đường huyết và tái khám định kỳ [4], [5]. Để người bệnh ĐTĐ hợp tác tốt với cán bộ y tế, kiên trì thực hiện đúng các chế độ điều trị, giảm nguy cơ biến chứng đòi hỏi người bệnh phải có kiến thức tối thiểu về bệnh gắn với việc tuân thủ điều trị.

Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra phương pháp phòng tránh bệnh ĐTĐ (vốn chiếm 10% số trường hợp). Tuy vậy, trong đa số các trường hợp còn lại, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh và kiểm soát bệnh để tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Chỉ với những thay đổi lối sống tích cực, đơn giản, chúng ta có thể giảm nguy cơ và tác hại từ ĐTĐ đến 58%. Chỉ cần quyết tâm thay đổi và sự hỗ trợ từ cộng đồng, người bệnh vẫn có thể kiểm soát và tận hưởng cuộc sống với bệnh ĐTĐ ngay từ ngày đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh.

Theo khuyến cáo từ Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), rèn luyện thói quen sống lành mạnh là chiếc chìa khóa vàng, giúp phòng tránh bệnh ĐTĐ nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung. Các phương pháp này rất đơn giản, không tốn kém, không gây đau đớn và ai cũng có thể thực hiện được để đầy lùi căn bệnh mãn tính này. Dù là người có sức khỏe bình thường hay thuộc nhóm nguy cơ cao bị ĐTĐ, hãy luôn nhớ rằng không bao giờ là quá trễ để rèn luyện thói quen sống lành mạnh:

  • KIỂM SOÁT mức huyết áp
  • TUÂN THỦ CHẾ ĐỘ dinh dưỡng lành mạnh
  • CAI THUỐC LÁ, chất gây nghiện
  • GIỮ CƠ THỂ cân đối
  • TĂNG CƯỜNG RÈN LUYỆN thể dục thể thao
  • NGHỈ NGƠI, thư giãn tinh thần

Xác định yếu tố nguy cơ là việc nên làm, giúp bạn sớm phòng tránh, chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ. Khi được can thiệp y khoa kịp thời, người bệnh ĐTĐ không những đề phòng biến chứng, mà còn vui vẻ tận hưởng cuộc sống mới cùng căn bệnh này. Để thực hiện tốt công tác dự phòng và giúp bệnh nhân ứng phó với ĐTĐ một cách hiệu quả, công tác tuyên truyền giáo dục về bệnh này trong nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng.

Công tác giáo dục phòng chống và ứng phó với bệnh ĐTĐ trong nhà trường

Để tìm hiều về công tác giáo dục tìm hiểu về bệnh ĐTĐ trong nhà trường, chúng tôi tiến hành làm một cuộc khảo sát tìm hiểu về việc thực hiện nội dung này trong thời gian qua. Đối tượng được lựa chọn phỏng vấn gồm một số cán bộ lãnh đạo (hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng các nhà trường). Nội dung khảo sát gồm: (1) kiến thức của lãnh đạo các nhà trường về bệnh ĐTĐ và (2) công tác giáo dục về ĐTĐ trong nhà trường. Các trường được lựa chọn khảo sát ngẫu nhiên thuộc các cấp học, bậc học khác nhau (gồm 2 trường mầm non, 02 trường tiểu học, 02 trường trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông và 02 trường cao đẳng). Phương thức khảo sát được thực hiện dưới hình thức phỏng vấn nhanh trực tiếp.

Kết quả khảo sát cho thấy lãnh đạo các nhà trường đều có nhận thức đúng về bệnh ĐTĐ: nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, cơ chế và tác hại do ĐTĐ gây nên, các biện pháp phòng tránh, ... Các đồng chí này cũng nhận thấy tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục về bệnh ĐTĐ trong các nhà trường (80%). Điều đáng buồn là hầu hết đối tượng được phỏng vấn (70%) cho rằng ĐTĐ là bệnh mãn tính thường chỉ xãy ra đối với những người có tuổi. Do có những hạn chế nhất định (về chương trình, quỹ thời gian và một số nguyên nhân chủ quan khác) nên nên công tác truyền thông, giáo dục về bệnh này hầu như không được quan tâm trong chương trình học và giáo dục trong các trường phổ thông.

Từ tình hình thực tiễn của ngành giáo dục và công tác truyền thông sức khỏe giáo dục về bệnh ĐTĐ tuy hiện nay, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục về bệnh ĐTĐ, giáo dụng phòng chống và ứng phó với bệnh ĐTĐ trong nhà trường cụ thể sau:

- Tổ chức phối hợp nhiều hình thức tư vấn nâng cao kiến thức về bệnh ĐTĐ thông qua các tiết sinh hoạt chủ nhiệm; qua lồng ghép với các môn học giáo dục sức khỏe; qua các buổi sinh hoạt dưới cờ; qua các phát tài liệu bằng h́nh ảnh phát cho học sinh và tại góc truyền thông giáo dục sức khỏe trong các nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần khuyến khích cán bộ giáo viên và học sinh tự tìm hiểu về bệnh ĐTĐ qua các phương tiện truyền thông đại chúng khác.

- Tăng cường cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành cho các đối tượng học sinh đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao (thừa cân, béo phì, thức đêm nhiều, ...). Nội dung tư vấn cần đầy đủ, cụ thể về tất cả các chế độ phòng ngừa, ứng phó, điều trị các yếu tố nguy cơ như: dinh dưỡng (cách lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm), hoạt động thể lực (loại hình thực hành hoạt động thể lực phù hợp với tuổi, trình trạng sức khỏe,...), theo dõi và kiểm soát đường huyết (cách thử, theo dõi đường huyết tại nhà, phối hợp các chế độ điều trị (điều chỉnh chế độ ăn và hoạt động thể lực theo mức đường huyết).

- Khuyến khích học sinh tuyên truyền kiến thức và kỹ năng phòng chống, ứng phó với bệnh ĐTĐ cho các thành viên trong gia đình hoặc những đối tượng khác có nguy cơ mắc bệnh này.

Lời kết

ĐTĐ là một căn bệnh mãn tính mang tính chất thể kỷ có thể xãy ra với mọi thành phần, lứa tuổi, không loại trừ các đối tượng ở lứa tuổi học sinh. Với sự phát triển không ngừng hiện nay của hai ngành Giáo dục - Đào tạo và Y tế, chúng ta có thể tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho nhiều đối tượng khác nhau để giúp những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao chủ động phòng tránh căn bệnh mạn tính này. Công tác giáo dục được thực hiện tốt sẽ góp phần làm giảm đáng kể được tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tiết kiệm được chi phí điều trị cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân ĐTĐ có cuộc sống khỏe mạnh hơn, dài lâu hơn. Để đạt hiệu quả, hãy nhớ rằng công tác tuyên truyền giáo dục cần phải phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh cụ thể.

Tài liệu tham khảo:

1. American Diabetes Association (2003), "Report of the Expert Committee on the Diagnosis and Classification of Diabetes Mellitus", Diabetes Care, 26(1), p.5-13.

2. Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiều (2014), Báo cáo tổng kết công tác hoạt động năm 2013-2014, Bến Tre.

3. Tạ Văn Bình (2006), Dịch tể học bệnh đái tháo đường ở Việt Nam, các phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng, Nxb Y học Hà Nội, Hà Nội.

4. WHO (2014), Global Status Report: Description of the Global Burden for Noncommunicable Disease, their Risk Factor and Determinants, WHO, Geneva, Swirzerland.

5. WHO (2014), WHO Noncommunicable Diseases Action Plan 2013-2020, WHO, Geneva, Swirzerland.

Tác giả: Bùi Thị Bảo Hân


Chia sẻ