5 Cách đơn giản phòng bệnh mùa nóng

5 CÁCH ĐƠN GIẢN PHÒNG BỆNH MÙA NẮNG NÓNG

 

Mùa nắng nóng là thời điểm khó chịu nhất trong năm, không chỉ tạo cảm giác oi bức mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh thời tiết như say nắng, cảm cúm, sổ mũi, rôm sẩy,... và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như sốt xuất huyết, viêm não,... Các bạn và gia đình của mình hãy cùng nhau thay đổi các thói quen đơn giản để phòng bệnh mùa nắng nóng nhé!

 

1. Ăn chín uống sôi

Thời tiết nóng bức khiến cơ thể mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều làm mất muối khoáng (chất điện giải), gây giảm độ toan của dịch vị, sinh chán ăn. Thói quen ăn ít, uống nước nhiều khiến dịch vị đã ít lại bị pha loãng hơn, giảm khả năng sát khuẩn của dịch vị. Khi đó, vi sinh vật có nhiều cơ hội xâm nhập đường ruột, gây đau bụng, tiêu chảy.

Cách đơn giản nhất để phòng bệnh là ăn chín uống sôi, ngâm rửa sạch rau củ và hoa quả. Tránh ăn rau sống, mắm tôm, gỏi cá, tiết canh, nem chua,... Thức ăn đã nấu chín nên bảo quản trong tủ lạnh sau 2 tiếng. Đồ ăn dư thừa cần đun sôi lại trước khi cất đi và không để quá 1-2 ngày.

2. Dinh dưỡng đủ chất

Chúng ta cần tăng cường sức khỏe và đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả. Các mẹ nên chú ý chọn lựa thực phẩm tươi ngon, chế biến phù hợp, chiều khẩu vị cả nhà. Thịt heo, bò, gà... vẫn là thực phẩm thường xuất hiện trong bữa ăn ngày hè, song cần biến tấu sao cho ngon miệng, dễ nuốt.

Nên hạn chế các món xào, nướng gây cảm giác ngán ngấy; đồ cay nóng gây nhiệt miệng, mụn nhọt, mề đay; thực phẩm khó tiêu như thịt dê, dầu mỡ,... Thay vào đó, ưu tiên các loại cá béo giàu omega có tác dụng giảm viêm, đậu hũ thanh mát, canh cua giải nhiệt,...

3. Uống nhiều nước

Nắng nóng gay gắt khiến tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn, mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu đặc lại do mất nước có thể gây thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Người có bệnh tim nên mang thuốc hạ huyết theo người và uống nhiều nước. Mỗi người chúng ta nên dùng 2-2,5 lít mỗi ngày để đảm bảo lượng nước cho cơ thể.

Nếu ra quá nhiều mồ hôi, có thể bù lại lượng khoáng đã mất bằng dung dịch điện giải hoặc chanh muối. Cần hạn chế các loại nước ngọt khiến cơ thể khát hơn; kem và đá lạnh sinh viêm họng; thức uống có tính lợi tiểu gây mất nước. Nếu đau họng, nên uống nước ấm có tính kiềm (nước khoáng, chè xanh) và giữ ấm cổ.

4. Tránh sốc nhiệt

Khi đi ra ngoài, chúng ta nên che chắn cơ thể bằng cách đội mũ rộng vành, khoác áo gió, đeo kính râm, mang găng tay... để chống say nắng và tránh mất nhiều mồ hôi. Không nên nằm điều hòa quá lạnh, mà phải thay đổi nhiệt độ phòng dần dần để cơ thể thích nghi. Chúng ta cần bật quạt xoay chứ không thốc thẳng vào người; càng không nên bật quạt, nằm ngủ sau khi tắm xong; không đột ngột ra vào phòng điều hòa để tránh cảm lạnh.

5. Khám chữa bệnh kịp thời

Các bệnh mùa hè có thể gây tử vong và tạo thành dịch lớn. Ví dụ như bệnh chân - tay - miệng thường xảy ra ở trẻ em, lây lan nhanh và dễ biến chứng thành viêm não. Tiêu chảy nếu không chăm sóc và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, nên chủ động đi thăm khám sức khỏe sớm.


Chia sẻ